Lượt xem: 372

Thông tin và truyền thông góp phần vì một Việt Nam hùng cường

Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục truyền đi những thông điệp tích cực, khích lệ cho toàn Ngành, tìm ra những cách tiếp cận rất Việt Nam, khả thi, góp phần cho đất nước phát triển bền vững, vì một Việt Nam hùng cường.
 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐT

    Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những sự kiện năm 2019 của ngành Công nghệ thông tin và truyền thông đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, vừa là định hướng cho một giai đoạn mới, vừa là sự khích lệ, là ngọn cờ tập hợp lực lượng.

    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến gần 27 triệu hộ gia đình Việt Nam là thông điệp về một hệ thống bán lẻ với 27 triệu siêu thị. Siêu thị điện tử hiện diện trong từng hộ gia đình. Mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng đảm bảo dòng chảy vật chất của các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

    Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá năm 2020 là tuyên bố từ nay, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới.

    Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để alo. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.

    Cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của Chính phủ về việc giao cho nhà mạng đảm nhận thêm vai trò của các nền tảng mới, như nền tảng số, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Với lợi thế phổ cập, cả về mạng lưới và kênh phân phối, và cả lợi thế về công nghệ và tài chính, mạng viễn thông có thể đảm nhiệm tốt vai trò các nền tảng khác, giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn”.

    Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Qui hoạch báo chí, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về việc muốn phát triển tốt hơn thì cũng cần quản lý tốt hơn, về xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Các cơ quan chủ quản báo chí phải quản lý cơ quan báo chí của mình hoạt động theo tôn chỉ, mục đích. Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề của báo chí trong thời gian qua.
 Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT. Ảnh: ĐT

    Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem như một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, và do vậy, cơ hội của Việt Nam về thay đổi thể chế dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là rất lớn. Chuyển đổi số có thể nhanh hơn nếu như phát triển các nền tảng, một platform cho cả triệu người. Tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng mà còn đưa 100% dân số lên điện thoại thông minh, sẵn sàng trở thành công dân số. Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam có thể được các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành trong năm 2020, vì Chính phủ đã tạo ra thị trường cho sản phẩm Việt Nam, vì Bộ TT&TT đã đứng ra làm vai nhạc trưởng, điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu phát triển, tránh chồng chéo, tránh cạnh tranh không cần thiết, sử dụng lẫn sản phẩm của nhau.

    Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Bộ TT&TT, thông qua những việc làm cụ thể của mình, sẽ tiếp tục truyền đi những thông điệp tích cực, khích lệ cho toàn ngành, tìm ra những cách tiếp cận rất Việt Nam, khả thi, để hàng triệu người, hàng chục ngàn đơn vị trong ngành có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần cho đất nước phát triển bền vững, vì một Việt Nam hùng cường.

    Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2019, với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ TT&TT đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

    Các chỉ số tăng trưởng của Ngành được các tổ chức quốc tế đánh giá cao

    Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018). Trong lĩnh vực Viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,57 tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran); Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ  vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.

    Năm 2019, tổng doanh thu toàn Ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội.

    Xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022

    Năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.

    Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Sau hơn một năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%). Bộ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90% .

    Hiện tại, số tên miền .vn đạt gần 500.000 tên miền, đứng thứ 64/1550 tên miền được cung cấp trên toàn thế giới, tăng trưởng gần 8% so với năm 2018.

    Năm 2019, công nghiệp ICT doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD

    Theo Báo cáo của Bộ TTT&TT, doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng. Các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

    Bộ đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiê%3ḅp công nghê%3ḅ Viê%3ḅt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, tạo một định hướng phát triển mới sáng tạo, chủ động của ngành Công nghiệp ICT. Tại Diễn đàn này, Bộ TT&TT đã chính thức tuyên bố chiến lược “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.

    Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, thông qua đổi mới căn bản, toàn diện phương thức sống, làm việc của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

    Buộc Facebook và Google gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

    Bộ TT&TT cho biết, trong công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.

    Để xử lý vấn đề tin giả, Bộ đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo; xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo trên mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan về các vấn đề “nóng” đang được lan truyền trên mạng để hạn chế tác động tiêu cực; tiếp tục hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội.

    Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020

    Theo Bộ TT&TT, trong năm 2020, Bộ sẽ thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ 5G; triển khai các biện pháp để giảm số thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ công nghệ 2G để chuẩn bị cho công tác tắt sóng 2G sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các doanh nghiệp kết nối, cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu để khai thác vận hành CSDL tập trung...

    Cùng với đó, Bộ cũng sẽ triển khai Bộ điểm, tỉnh điểm về Chính phủ điện tử (CPĐT); Tiếp tục tổ chức các Chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc; Tổ chức chiến dịch tuyên truyền “Make in Viet Nam” trong công nghiệp an toàn, an ninh mạng; Sử dụng công nghệ (AI, Big Data) để liên tục theo dõi, phát hiện, phân loại, ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam trong việc gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, giả mạo trên không gian mạng.

    Riêng đối với lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Bộ sẽ tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Định hướng, hỗ trợ 1-2 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các nhóm sản phẩm liên quan đến chuyển đổi số; Thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu sản xuất chipset 5G và một số sản phẩm công nghệ cao khác. Tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo mô hình tổ chức của Trung tâm liên kết cách mạng 4.0…

    Đối với lĩnh vực Báo chí, truyền thông, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026. Hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành và địa phương.

    Năm 2019 có thể coi là một năm của những khởi tạo mới của Bộ TT&TT. Qua đó tạo tiền đề đầy hứa hẹn cho năm 2020 với nhiều thành công hơn nữa, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ giai đoạn 2016-2020 cũng như các chiến lược bứt phá của Ngành trong giai đoạn 2021-2025./.

Đỗ Thoa
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 68
  • Hôm nay: 6747
  • Trong tuần: 77,454
  • Tất cả: 11,800,774